Nghề cầu mực của ngư dân vùng biển Hải Bình, Tĩnh Gia

Xứ Thanh được thiên nhiên ưu ái ban tặng một đường bờ biển dài tới 102 km. Từ đó, các địa danh có biển từ lâu đời đã hình thành nên các làng nghề đánh bắt hải sản. Trên Hành trình du lịch về với đất biển, Tạp chí Du lịch Xứ Thanh kỳ này sẽ cùng du khách tìm hiểu làng nghề câu mực Hải Bình – Tĩnh Gia, một điểm đến không chỉ để lại dấu ấn về một bãi biển trong lành, khoáng đạt mà đó còn là những dư vị ngọt lạ của loài hải sản – Mực ống quý hiếm.

Biển hải hòa Đất Hải Bình xưa nay còn vang mãi lời ca “Chồng chèo, mẹ lưới, con câu/ Chàng rể thả bóng, con dâu mắc mồi” để ca ngợi cuộc sống hạnh phúc, ấm êm của những gia đình có nhiều thế hệ chuyên nghề khai thác mực.

Với vị trí đắc địa thuộc Ngư trường Hòn Mê, là nơi trú ngụ và sinh sống của vô số loài hải sản, quý nhất là loài mực ống thân dài, mình dày, thơm ngon và trắng muốt. Mực và các loại hải sản khác tập trung nhiều ở nơi đây còn vì lý do, Hải Bình nằm ở ngay cửa biển đón dòng chảy của con sông Lạch Bạng mang một lượng phù du khá phong phú là nguồn thức ăn dồi dào và đặc biệt cho các loại hải sản. Bên cạnh đó, cửa Lạch Bạng với độ nước sâu từ 3-4m, có núi Do Xuyên chắn sóng, ngăn gió là nơi neo đậu an toàn cho nhiều thuyền bè lúc bão tố. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho việc hình thành nghề câu mực của ngư dân vùng biển Hải Bình – Tĩnh Gia.

 

Mực ống là loại mực có giá trị kinh tế nên được ngư dân tập trung khai thác chế biến để xuất khẩu và phục vụ nhu cầu thực phẩm. Mùa mực ống thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, vì vậy vào các tháng 6, 7, 10 là mùa câu mực rộ nhất và câu được nhiều nhất, có những mùa sản lượng đạt tới 130 tấn. Để có chuyến đi câu dài ngày trên biển, họ phải chuẩn bị cẩn thận về phương tiện là thuyền câu, chuẩn bị thật chu đáo về lương thực, than củi, dầu máy, nước ngọt để sinh hoạt…

Ngư dân Hải Bình đánh bắt mực bằng nhiều cách khác nhau như: đánh bằng lưới, thả bóng nhưng chủ yếu vẫn bằng hình thức câu, có thể là câu cần hoặc câu tay. Cần câu được làm bằng thân cây trúc dẻo, chắc với độ dài vừa phải. Dây câu là sợi cước hoặc dây nhợ bằng ni lông dài khoảng 10-20m cuộn lại ở ống câu. Ống câu là một đoạn gỗ tròn khoét rỗng để lồng tay giữ ống câu. Lưỡi câu làm bằng thép có ngạnh dài khoảng 3cm kết lại với nhau theo chùm từ 3- 5 lưỡi hướng về các phía. Câu mực bằng tay thì không dùng cần mà trực tiếp đặt ống câu trên thuyền rồi thả xuống biển. Mồi câu cũng rất quan trọng có hai loại: mồi thật và mồi giả. Mồi thật là những chú cá con mắc vào lưỡi để nhử mực; mồi giả được dùng phổ biến được ngư dân khéo léo bằng vải các màu sặc sỡ. Kinh nghiệm làm mồi giả câu mực của người Hải Bình cũng thật độc đáo “Ngày biển rung, nước đục/ Vải làm mồi tôi can/ Nhất là màu da cam/ Xen sắc vàng, xanh, đỏ/ Biển lặng tôi xin nhớ/ Cài thêm sắc vải xanh”… vừa dễ nhớ lại vừa không tốn công tìm mồi mà câu được nhiều mực.

 

Một lần nghỉ đêm tại biển Hải Bình, từ trong đất liền hướng ra biển du khách sẽ được thưởng lãm một vùng trời biển hiền hoà, mục sở thị những đoàn thuyền câu mực san sát bên nhau như sao sa, dập dềnh trên sóng nước và cùng bạn bè, người thân nhâm nhi chuyện trò, thưởng thức Mực ống sấy khô nướng thơm mang hương vị ngọt lạ, mặn mòi được cất lên từ lòng biển du lịch hải hòa Hải Bình – Tĩnh Gia quê Thanh.

Nguồn: thanhhoatourism.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0986 802 567