Hải Hòa, mùa biển gọi…
Nắng tháng 5, cái nắng đầu mùa gắt gỏng và bỏng rát. Nhưng nắng lên cũng là lúc biển gọi chân người hòa nhịp theo tiếng sóng vỗ bờ cát, lúc lăn tăn khi dạt dào. Nếu ai đã quá quen với “tiếng sóng” có âm hưởng phố phường, muốn thay đổi “khẩu vị” biển thì Hải Hòa là nơi lựa chọn đáng kể…
Biển hải hòa Có lẽ sức hấp dẫn đặc trưng của biển Hải Hòa (thuộc địa phận xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia) là vẻ đẹp dung dị và thanh bình của thiên nhiên. Tất cả còn có nét sơ khai như trong truyền thuyết, nơi rừng phi lao vẫn nghiêng mình rì rào kể cho chiếc thuyền nằm phơi mình dưới ánh trăng mỗi khi sóng lặng. Nước trời một sắc, cái sắc xanh dịu mát, ngọt ngào. Biển Hải Hòa chạy dài suốt hơn 20 km về hướng bắc, bãi tắm thoải, rộng, bằng phẳng, cát trắng mịn… có thể sánh ngang với những bãi tắm nổi tiếng như Sầm Sơn, Đồ Sơn hay Bãi Cháy. Đến Hải Hòa để được ngâm mình trong làn nước xanh mát và thú vị hơn nữa, như cảm nhận của nhiều du khách, là được ngắm bình minh lên, nhìn ngư dân kéo lưới về bến và thưởng thức hương vị biển từ mẻ hải sản tươi ngon đầu tiên trong ngày lao động. Hải Hòa hướng mình ra biển Đông. Xa xa trong nắng sớm hay chiều tà, hòn Mê thấp thoáng như một dấu chấm, điểm xuyết vào cái bao la của nước. Nhìn về phía Tây, biển tựa mình vào núi Sổi, núi Chay như tri kỷ. Hải Hòa, tên đất cũng đẹp như cảnh và người vậy. Có lẽ mới bắt đầu làm quen với kinh doanh du lịch nên con người nơi đây vẫn giữ được nhiều nét chất phác và hồn hậu.
Biển Hải Hòa đẹp là vậy nhưng tự thân nó chưa đủ sức để có thể “chia khách” với những bãi tắm hấp dẫn khác. Vì là một vùng biển mới, bước đầu đưa vào khai thác, nên cũng giống như cảnh, cơ sở hạ tầng du lịch vẫn còn ở độ… sơ khai. Biển khá vắng người. Đây cũng là tâm sự của bà Hà Thị Thanh, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tĩnh Gia, khi trao đổi với chúng tôi về tiềm năng du lịch biển của địa phương. Với những gì được thiên nhiên ban tặng, rõ ràng huyện miền biển này đã hội tụ được các lợi thế cần để biến du lịch biển thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Cú hích lớn nhất có thể hiện thực hóa được lợi thế ấy bắt đầu từ năm 2003, khi Khu Du lịch nghỉ mát Hải Hòa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch chi tiết, gồm nhiều phân khu: Khu khách sạn, nhà nghỉ; khu công trình công cộng; khu công viên, bãi tắm, cây xanh; khu đất dân cư. Dự án nếu được hoàn thiện đúng theo quy hoạch sẽ biến Hải Hòa thành khu nghỉ dưỡng sinh thái hấp dẫn phía Nam Thanh Hóa, tạo ra một mạng lưới các điểm du lịch biển của xứ Thanh, nổi bật là tam giác Sầm Sơn – Hải Tiến – Hải Hòa.
Tuy nhiên, sau một thời gian khởi động xây dựng, đến nay diện mạo của khu du lịch biển phía Nam này cơ bản vẫn còn nằm trên… quy hoạch. Hiện mới có 6 nhà đầu tư đã và đang tiến hành thi công. Trong đó, một số dự án thi công tiến độ chậm, một số công trình khác hoặc dở dang, hoặc vẫn nằm chờ ngày khởi công. Có 3 khách sạn gồm Khách sạn Xanh Hà, Khách sạn Cao Nguyễn, Khách sạn Đại Dương và một số nhà hàng đã hoàn thiện cơ sở vật chất, đủ khả năng phục vụ du khách. Lượng khách lưu trú tại đây chủ yếu là khách nội địa. Mặc dù từ năm 2010 đến nay, lượng khách du lịch đến Tĩnh Gia nói chung, Hải Hòa nói riêng đã bắt đầu tăng, song không đều và không thường xuyên. Vì thiếu các điểm phục vụ vui chơi, mua sắm nên mức độ chi tiêu của du khách chưa cao, chủ yếu là chi cho lưu trú và ăn uống. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện mới có hơn 170 lao động du lịch trực tiếp phục vụ tại các cơ sở kinh doanh, nhưng hầu hết lao động chỉ mang tính thời vụ và chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Ngoài ra, chưa có phương tiện vận chuyển chuyên biệt cho du khách đến các điểm tham quan xung quanh; các tuyến đường nằm trong khu du lịch khá nhỏ hẹp, chất lượng mặt đường kém, tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Hải Hòa triển khai chậm tiến độ… Những khó khăn này cùng với hoạt động xúc tiến và tuyên truyền, quảng bá du lịch chưa được quan tâm đầu tư đúng mức khiến cho biển Hải Hòa dù đẹp, hiền hòa vẫn chưa tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng của các ngành khác, trong định hướng của huyện Tĩnh Gia những năm tới sẽ phát triển mạnh du lịch biển, với sản phẩm chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng. Hải Hòa sẽ là điểm nhấn quan trọng trong vùng du lịch biển đảo rộng khoảng 400 ha, kéo dài từ Hải Châu qua Hải Hòa đến Hải Bình và liên kết chặt chẽ với du lịch đảo Mê. Các loại hình du lịch sẽ tương đối đa dạng, từ đơn giản như nghỉ mát tắm biển đến cao cấp như Casino, lặn biển, thể thao mạo hiểm dưới biển; tham quan sinh thái, sinh vật biển, văn hóa lịch sử và tâm linh. Ngoài ra, việc hoàn thiện Khu Du lịch Hải Hòa cũng sẽ tạo cơ sở cho việc đầu tư cho các điểm du lịch vệ tinh như khu du lịch thắng cảnh động Trường Lâm, Khu Du lịch sinh thái rừng hồ Hao Hao – chùa Am Các; Khu Du lịch sinh thái Nghi Sơn; Khu Du lịch đảo Mê; đền Quang Trung; nhà thờ Ba Làng; Khu Du lịch sinh thái Hải Châu…
Đó chắc hẳn là tương lai gần để ta hy vọng. Hy vọng về một vùng thắng cảnh mới sẽ sớm chuyển mình vươn dậy, để mỗi khi hè về ta lại náo nức nghe… du lịch Hải Hòa biển gọi!
Nguồn THO